Qua những tiết lộ về chùa Ba Vàng, người ta thấy khuôn mặt ghẻ lở của Phật Giáo quốc doanh. Từ đó, nhiều người có cái nhìn tiêu cực về Phật Giáo. Đúng ra, đó không phải là Phật Giáo, cũng không phải là Phật giáo VN. Đó là Phật giáo quốc doanh, chỉ có ở những nước Cộng Sản . Không phải ở đâu người ta cũng ‘’hành đạo’’ một cách côn đồ, đểu cáng kiểu Thích Thanh Quyết, Thích Trúc Thái Minh.
SÂN CHÙA
Hãy thử viếng một ngôi chùa Nhật Bản. Chùa cực kỳ thanh tịnh, khách rơi vào một thế giới bình yên, tự nhiên quên phiền muộn, oán thù.
Chùa cực kỳ đơn giản, bởi vì Phật Giáo, trước hết là thoát khỏi sân si, cám dỗ, từ bỏ những hệ lụy vật chất.
Điển hình là sân nhà chùa, nhiều khi chỉ trần trụi sỏi, đá vụn ; để cái nhìn, tâm hồn của người tu hành, hay Phật tử viếng thăm, không bị chi phối bởi ngoại vật, dù một bức tượng, một cành hoa. Chỉ có mình với đá, với Phật. Với mình
Mỗi ngày, một người có tâm Phật tới cào sân đá. Đó là cả một nghệ thuật, phải học suốt đời. Cái gì ở xứ Phù Tang cũng là nghệ thuật. Mỗi cử chỉ nhỏ là một biểu tượng. Một nhà sư có thể giải thích cho bạn tại sao người ta trồng cây này, không trồng cây khác, tại sao trồng ở nơi này, không ở chỗ khác; cây cầu không phải chỉ để qua suối, những con cá muôn mầu không phải chỉ là vật trang trí.
Những luống đá, sỏi trên sân chùa là một trạng thái của tâm hồn. Cào sân là một cách thiền.
Một hoà thượng trụ trì một hôm nhìn sân đá vừa cào, hỏi người cào sân : đệ tử có gì bất an trong lòng ? Người cào sân ứa nước mắt, thú thực có chuyện buồn trong gia đình, khiến cho tâm động, để cái bất ổn trong tâm trí hiện trên đường chổi, trên những luống đá sỏi
Người tu hành không có người hầu hạ, phải thức dậy từ 3, 4 giờ sáng để lau chùi, quét dọn và kinh kệ. Tham dự vào đời sống hàng ngày cũng thuộc hoạt động của người tu hành. Tu hành là đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, không phải từ bỏ đời sống.
Trước khi đọc kinh phải học tập để hiểu ý nghĩa, không phải chỉ ê a cho có. Đọc kinh mỗi ngày khi hiểu kinh để những lời kinh thấm vào đầu óc, thể hiện trong cách xử thế, không phải để cho Phật vui lòng. Cũng không phải cầu xin gì, ngoài việc nhờ Phật giúp mình tìm cái thanh tịnh cho tâm hồn.
Bữa ăn cực kỳ thanh đạm, không có cảnh các bà, các cô chạy lên, chạy xuống, rót rượu, quạt mát cho các thầy quốc doanh ngồi phưỡn bụng nhậu nhẹt, đưa cay với bia, với Martell đắt tiền , đùa dỡn như vỡ chợ.
Bữa ăn yên tĩnh, nghe tiếng ruồi bay, bởi vì khi ăn phải suy ngẫm về ý nghĩa của sự dinh dưỡng, về thiên nhiên, về môi trường đã cho cây quả, cơm gạo. Bởi vì Phật tử phải biết sống giây phút hiện tại. Chẻ một sợi rau, rửa chén bát phải đặt hết tâm vào chuyện rửa chén, chẻ rau. Tìm cái vui, cái hạnh phúc trong mỗi cử chỉ nhỏ hàng ngày.
Trong nhiều chùa, nhà tu khi ăn để bên cạnh 9 hạt cơm. Một chú tiểu đi thu những hạt cơm đó, đem ra vườn cho chim chóc. Bởi vì khi ăn, khi hưởng thụ, phải nghĩ tới chúng sinh. Người tu hành không sống một mình, không sống cho mình.
PHẬT TẠI TÂM
Chùa chiền Nhật Bản, đôi khi cao 3 hay 5 tầng, bao giờ cũng hoà hợp với thiên nhiên, với cảnh vật chung quanh. Mỗi ngọn cây, mỗi khóm trúc, mỗi dòng suối đều có ý nghĩa, là biểu tượng cho một triết lý sống.
Người ta không vạt cả một ngọn núi, san bằng ngọn đồi để làm những ngôi chùa to tổ bố, bê tông cốt sắt, trang trí xanh, đỏ, tím vàng, để vênh váo khoe khoang đã xây một ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á ( nhưng lờ đi không nói bạc tỷ lấy đâu xây chùa ? )
Riêng chuyện tàn phá thiên nhiên, kho tàng của đất nước, đã là một cái tội nặng ngàn cân. Chưa nói tới chính sách ngu dân thô bạo. Bên cạnh những bài dạy về tư tưởng bác Hồ, những lời dạy kỳ quái về y khoa (ung thư là do các oan hồn nhập vào thân, chiếm các tế bào, bệnh tâm thần vì đã vô lễ với… quan, bị các vong hồn trả thù ; muốn hết ung thư, hết bệnh phải đóng tiền cho ‘’vong‘’, ít nhất 9 triệu 7 !)
Người Nhật biết kính trọng môi trường trước khi từ ngữ đó ra đời. Ở VN cũng vậy, chùa chiền ngày xưa có bao giờ kệch cỡm, thô tục như ngày nay ?
Phật không trọng hình thức. Phật không đòi chùa bạc tỷ. Phật tại tâm.
Chuyện xưa : một chú sãi theo một vị chân tu học đạo. Mặc dù siêng năng, thuộc lòng kinh kệ, suốt ngày rung chuông gõ mõ, vẫn bị thầy chê là chưa hiểu giáo lý nhà Phật. Một đêm trời cực kỳ lạnh, thầy trò đốt hết vật dụng trong nhà để sưởi. Hết bàn ghế, giường tủ, thầy sai trò vào chánh điện, tìm những gì có thể đốt được. Trò mang hết chổi cùn, rế rách ra đốt. Lửa tàn, trời lạnh hơn nữa, thầy sai trò đi tìm củi. Chú sãi vào chánh điện, quả thực không còn gì, ngoài tượng Phật bằng gỗ quý. Đành gãi đầu, gãi tai, mang ra, đốt. Thầy khen đệ tử đã bắt đầu hiểu giáo lý nhà Phật.
NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC
Ngoài khía cạnh mỹ thuật, không xa với nghệ thuật, mỗi ngôi chùa Nhật Bản là một kỳ công kiến trúc. Ngày nay người ta hiểu tại sao một ngôi chùa 5 tầng đứng vững hàng ngàn năm ở một xứ động đất như cơm bữa.
Chùa Nhật, trừ ngoại lệ, cất 100% bằng gỗ, vật liệu thiết kế mềm nhất, tự uốn mình khi đất rung động. Chùa không có một cây đinh, tất cả đều là gỗ lắp với nhau, khi bị lay động, những then gỗ dựa nhau, cản sức chuyển động. Mỗi tầng độc lập với nhau, không gắn liền một khối ; khi gió bão những nơi bị lay động không kéo cả toà nhà đổ theo. Những tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, khi động đất, toà nhà lắc lư, như một điệu múa của rắn, tạo quân bình. Nếu tầng dưới nghiêng về bên phải, tầng trên nghiêng bên trái. Tất cả những thành phần di động, uyển chuyển đó dựng chung quanh một cột trụ trung tâm vững chắc, để dù lay chuyển tới đâu, toàn bộ kiến trúc cũng có chỗ dựa, để đứng vững ngàn thu.
Trong cái kỹ thuật kiến trúc thần tình đó có cả cái triết lý nhu đạo. Lấy cái mềm trị cái cứng, lấy cái yếu chống cái mạnh. Đó là triết lý sống của cây sậy trước gió bão
Những nguyên tắc ngàn xưa đó của chùa chiền Nhật Bản ngày nay được học hỏi, nghiên cứu để xây cất một thành phố với những cao ốc đồ sộ nhưng an toàn ở những thành phố bị động đất thường xuyên ở Nhật Bản.
Mặc dầu vậy, người ta không kiêu ngạo, khoe khoang. Người ta để cái độc quyền vỗ ngực huênh hoang cho những người chưa xây xong cầu đã sập, vừa khánh thành đường đã ngập ổ gà.
Hy vọng không có người Nhật nào mò tới thăm viếng những động ma quỷ , gọi là chùa, người Cộng Sản dựng lên để làm tiền. Và thâm độc hơn nữa, để thực hiện chính sách ngu dân, đưa dân trở lại thời đại đồ đá với thần núi, thần đá, với vong hồn suốt ngày ra rả vòi tiền.
Qua ngưỡng cửa một ngôi chùa Nhật, hay một ngôi chùa ở miền Nam trước 75, người ta rũ bụi trần, bước vào thế giới thanh tịnh từ bi. Qua cửa BOT của chùa VN ngày nay, người ta bước vào thế giới ma quái của oan hồn, của ‘’vong‘’ ngất nghểu, ra rả đòi tiền như nặc nô đòi nợ.
Đó không phải là Phật giáo. Đó không phải là Phật Giáo Việt Nam. Khổng Tử : danh có chính, ngôn mới thuận. Albert Camus : dùng chữ không chỉnh là đem cái hỗn loạn vào cái hỗn loạn đã có. Đừng nói Giáo Hội Phật Giáo VN. Hãy gọi nó là Giáo Hội Quốc Doanh. Hãy trả chùa chiền cho Phật, cho những người tu hành, cho Phật tử.
Paris, cuối tháng 3/2019
TỪ THỨC ( tuhuc-paris-blog.com )
Kommentare