top of page
Rechercher
Photo du rédacteurTỪ THỨC

TẠP GHI THÁNG 9

Dernière mise à jour : 2 oct. 2023

BIDEN

Joe Biden tuyên bố chuyện thăm viếng VN, thay đổi quan hệ đối tác chiến lược, không có mục đích kiềm chế Trung Cộng. Nghĩa là cuộc thăm viếng có mục đích chính là… kiềm chế Trung Cộng. Hoa Kỳ nói rất quan tâm đến nhân quyền ở VN. Nghĩa là không mảy may bận tâm đến nhân quyền ở VN.

Một viên chức VN cũng nói với báo Mỹ: VN rất quan tâm chuyện nhân quyền. Nghĩa là sắp có vài chục người đi tù về tội viết lách (đúng hơn: viết mà không biết lách), tội muốn bảo vệ môi trường, tội cao hứng muốn làm thánh rắc muối, thánh rắc đường, thánh rắc hạt tiêu.

Bản tuyên ngôn độc lập 1945 của VNDCCH khẳng định: mọi người sinh ra tự do và bình đẳng. Nghĩa là…


PRIGOJINE

Sau khi Evgueni Prigojine nổi loạn, kéo quân về Moscou, tôi cá một chai champagne với bạn bè là anh ta sẽ chết bất đắc kỳ tử, trong những ngày tới, nhất là khi media Nga nói quan hệ giữa Prigojine và Poutine (Putin) rất tốt đẹp.

Không được uống champagne, vì tôi đoán ông trùm Wagner sẽ chết vì thuốc độc, tay ‘’tự tử’’ kiểu Nga, như các đại gia bị Poutine nghi ngờ. Không biết là người ta có thể chết vì máy bay nổ giữa ban ngày, cho mọi người coi, hay quay phim từ đầu tới cuối, như coi xi nê hay coi đốt pháo bông, ngoạn mục.

Đoán đúng một nửa, chỉ được một ly bia.

Một chuyện vui về ngoại giao Nga: trong những cuộc đàm phán, bao giờ phái đoàn Nga cũng mời khách uống trà. Nếu kết quả đàm phán hợp ý Nga, khách sẽ nhận được thuốc giải độc.

Một chuyện Nga khác, thời Staline (Stalin): Staline nói với trùm công an Beria: cái đồng hồ quý của tôi để trên bàn đã không cánh mà bay. Ngày hôm sau, Beria báo cáo: đã có 350 tên phản động nhận tội ăn cắp đồng hồ, 1500 người khác đang bị tra tấn, sẽ thành khẩn nhận tội. Staline khen Beria làm việc hữu hiệu.

Khi Beria ra tới cửa, Staline nói: à quên, đã tìm thấy cái đồng hồ trong ngăn kéo.


IRAN, MỘT NĂM SAU

Một năm trước đây (tháng 9/2022), bạo loạn nổi dây khắp IRAN khi Mahsa Amini, một thiếu nữ 22 tuổi bỏ mạng vì vài sợi tóc lộ ra khỏi khăn trùm đầu (hijab).

Mahsa bị cảnh sát ‘’thuần phong mỹ tục’’ (police des moeurs) bắt, bị tra tấn và chết trong nhà thương.

Những cuộc biểu tình, bạo loạn bùng nổ khắp Iran, bất chấp những biện pháp trừng trị tàn bạo của chính quyền ‘’cách mạng Hồi Giáo’’, nắm quyền từ trên 40 năm nay, với mục tiêu đưa Iran trở lại thời Trung Cổ.

Khắp nơi, hàng trăm ngàn phụ nữ xuống đường, khởi đầu là giới trẻ , vứt bỏ hijab, đòi tự do, với khẩu hiệu ‘’tôi là Mahsa’'.

Dần dần cuộc cách mạng được mọi giới ủng hộ, kể cả đàn ông.

Những cuộc đình công, bãi thị được tổ chức khắp nơi, kể cả các trường học, nơi giáo chức công khai ủng hộ lớp trẻ.

Chính quyền Hồi Giáo dùng võ lực, công an, cảnh sát, kể cả quân đội để đàn áp: ít nhất 600 người chết, 7 người bị treo cổ nơi công cộng, để làm gương. Chưa kể trên 20.000 ngàn người bị bắt, hàng ngàn người mất tích, bị quản thúc tại gia, bị đuổi khỏi trường học, sa thải.

Ngày nay người ta ít nói tới Iran, vì thời sự đuổi thời sự: chiến tranh Ukraine, xung đột Mỹ Tàu, vật giá leo thang đã khiến người ta quên béng Iran đang tranh đấu.

Ngày 16/9 , kỷ niệm một năm ngày Iran nổi loạn, quân đội bao vây tất cả những nơi công cộng, bắt giữ những người bị tình nghi, sẵn sàng nổ súng, vẫn không ngăn cấm được những cuộc xuống đường.

Các mạng xã hội ngoại quốc đã bị cấm ở Iran, ngay cả mạng lưới nội hoá cũng ngưng hoạt động nhiều ngày , để cô lập hoá các phong trào dân quyền.

Công an được lệnh bốc mộ những người tranh đấu nổi tiếng, đem đi chôn ở những nơi bí mật, để tránh những cuộc hành hương tưởng niệm người chết biến thành những cuộc nổi loạn.

Tất cả những nhà hoạt động, còn sống ở trong nước hay ở ngoại quốc, đều đồng thanh: chính quyền Iran chưa sụp, vì nắm mọi quyền hành và tài nguyên quốc gia trong tay, nhưng cuộc cách mạng sẽ tiếp tục bền bỉ, và đã thành công một phần.

Bằng chứng là ngày nay 20% phụ nữ Iran ra đường không đeo hijab, mặc dù không đeo hijab trùm kín tóc vẫn là một tội nặng. Đó là chuyện không thể tưởng tượng cách đây một năm, mặc dù nhà nước tăng cường đàn áp.Taxi chở phụ nữ không hijab, tiệm ăn tiếp khách không hijab bị tịch thu giấy hành nghề.

Mỗi đêm, dân mở cửa sổ ca hát những bài bị cấm đoán, kể cả quốc ca thời trước. Nhiều nữ ca sĩ lên đài truyền hình nhà nước, bất chấp hậu quả, đột nhiên tháo tung khăn choàng, ca hát ''nhạc vàng'', nhẩy múa, trước sự hoan nghênh của rầm rộ của khán giả.

Đó là một cuộc cách mạng xã hội, trước khi là một cuộc cách mạng chính trị. Những thay đổi xã hội thay đổi trong vài tháng sẽ làm sụp những cấm đoán do nhóm cực đoàn áp đặt trong nửa thế kỷ, với hy vọng sẽ trở thành văn hoá dân tộc.

Nhóm cầm quyền sẽ rất khó dập tắt cách mạng xã hội của dân Iran là dân tộc có trình độ văn hoá cao nhất trong vùng.

Cách mạng chính trị dễ đi vào ngõ cụt, nếu không có các tổ chức hữu hiệu dẫn đường, nhưng cách mạnh văn hoá thì khó ngăn chặn.

Ngày nay kinh tế Iran đang khủng hoảng trầm trọng, vật giá leo thang khủng khiếp: 49% trong một năm theo báo cáo chính thức, 170% theo các cơ quan độc lập. Iran ngồi trên kho tàng dầu lửa, nhưng trên 70% tài nguyên nằm trong tay nhóm cầm quyền, trên 1/3 dân số sống dưới mức độ nghèo đói.

Trước những đe doạ trong nước, chính quyền Hồi Giáo tìm liên minh bên ngoài, thí dụ gia nhập nhóm BRICS, nhưng đó là những nước giả vờ đồng sàng nhưng không đồng mộng.

Nga, Tàu không có thói quen cộng tác, chỉ nghĩ đến chuyện vơ vét tài nguyên và nhu cầu chính trị nhất thời; Ả rập Saudi là tử thù của Iran. Ả Rạp theo Hồi giáo sunnite (sunni), Iran theo hồi giáo chites (shi’is), sẵn sàng thánh chiến để đóng vai lãnh đạo hồi giáo toàn cầu. Đối với dân Iran, bắt tay với Ả Rạp Saudi là một phản bội trắng trợn nhất, ngược lại với tất cả những bài vở nhồi sọ dân từ mẫu giáo, dạy dân phải hy sinh tính mạng đánh Ả Rạp Saudi là bọn phản bội Hồi Giáo.

Dầu sao đi nữa, khi một dân tộc quyết tâm đi tới một cuộc cách mạng xã hội, văn hoá, sẽ không có thế lực gì cản nổi. Cảnh sát Iran ngày nay không thể bắt tất cả những phụ nữ để đầu trần, hát ‘’nhạc vàng’’, chỉ tóm những người nổi tiếng để làm gương.

Người ta không thể không có cảm tình hay cảm phục khi coi các phụ nữ Iran, nhiều khi rất trẻ, kiến thức cao, ý thức chính trị vững, phát biểu một cách minh bạch, thông minh và quả cảm trên các media.

Không một người nào không tin cuối cùng họ sẽ thắng.

Cũng như đã cảm phục các đặc tính đó nơi các phụ nữ Ukraine.

Một điểm nhống nhau nữa: phụ nữ Iran và Uhraine đều đẹp.


NHÀ ĐẤT

Dẫn một ông bạn từ VN sang Pháp chơi.

Thấy một bãi cỏ mông mênh trước Invalides (mộ Napoléon), nơi thước đất thước vàng, ông bạn ngạc nhiên: vậy mà không ai xây nhà.

Đáp: bởi vì đó là đất công. Các bác lãnh đạo Tây còn ngây ngô lắm, chưa biết lựa đất cất nhà. Biết bao nhiêu công viên bát ngát chưa thấy ai chặt cây cất lều , hay làm nghĩa trang gia tộc, bao nhiêu nhà mặt tiền ngon lành vẫn nằm trong tay dân.

Paris, tháng 9/2023

TỪ THỨC

——————————————————————————---------------------------------------

MINH XÁC

Nhiều độc giả đặt câu hỏi: TỪ THỨC trong blog này (tuthuc-paris-blog.com) và ĐINH TỪ THỨC có phải là một người ?

Xin thưa: Từ Thức, hiện sống ở Paris, và Đinh Từ Thức ( Hoa Kỳ) là hai người khác nhau.

Xin nói rõ, để khỏi oan cho ký-giả kỳ cựu Đinh Từ Thức ( trước 75, nổi tiếng trong làng báo miền Nam với bút hiệu Sức Mấy), nếu tôi viết gì tào lao, loạng quạng.

TT, Paris


—————————————————————————————------------------------------------



502 vues0 commentaire

Posts récents

Voir tout

Comments


bottom of page